So sánh sản phẩm
EnglishJapaneseVietnamese
Ngôn Ngữ
  • Vietnamesevi
  • Englishen
  • Japanesejp
  • 0
    • Hiện chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp: Lợi ích về nhiều mặt

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai thực hiện Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông” đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.


Hiệu quả thấy rõ


Gia đình ông Trần Văn Lợi ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) có 2 ha cà phê kinh doanh và 1 ha hồ tiêu, hằng năm số lượng vỏ cà phê thải ra môi trường lên đến trên 3,5 tấn.


Trước đây, lượng vỏ này được ông bón trực tiếp vào gốc cà phê, tiêu, nhưng cách bón này chỉ có tác dụng làm cho đất tơi xốp. Bây giờ, khi đã áp dụng mô hình ủ phân vi sinh, ông Lợi đã tận dụng lượng vỏ cà phê này để ủ thành phân hữu cơ, bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

 
Việc ủ phân vi sinh từ xác bã cà phê đã giúp gia đình ông Trần Văn Lợi tiết kiệm khoảng 25% chi phí đầu tư cho sản xuất


Ông Lợi chia sẻ: “Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, sau khi xay xát cà phê, gia đình tôi tận dụng vỏ cà phê khô ủ với phân chuồng, men vi sinh và một số chất khác như vôi, đạm, lân, ka li. Sau khoảng 3 tháng ủ, gia đình tôi đã sản xuất được khoảng 2,5 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng, mức chi phí chỉ 500.000 đồng/tấn. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường 1 tấn phân NPK có giá từ 12 - 13 triệu đồng, nhưng nếu bón quá nhiều sẽ không tốt cho môi trường đất và cây trồng. Nói chung, cách ủ phân này đã tiết kiệm cho gia đình tôi khoảng 25% chi phí đầu tư cho sản xuất, nhưng năng suất cây trồng vẫn tăng rõ rệt….”.


Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Lại ở thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’drung (Đắk Song) cũng đã mạnh dạn áp dụng phương pháp ủ phân vi sinh vào thực tế sản xuất của gia đình. Cách làm này vừa giúp gia đình anh giảm được chi phí đầu tư vừa nâng cao năng suất cho cây trồng.


Anh Lại cho biết: “Gia đình có 2,5 ha cà phê, trước đây, tôi thường gom vỏ cà phê sau khi xay xát để đốt, không những lãng phí mà còn làm ô nhiễm môi trường. Khi được Trung tâm cấp chế phẩm, tôi đã tiến hành ủ phân vi sinh. Nhờ đó, gần 2 năm qua, gia đình tôi giảm đáng kể lượng phân hóa học mà năng suất cây trồng còn tăng lên đáng kể. Hiện nay, mỗi vụ, gia đình tôi thu được 9 tấn nhân cà phê, tăng 3 tấn so với trước đây. Ngoài số vỏ cà phê từ vườn nhà, tôi còn mua hàng chục tấn vỏ cà phê khô nữa về ủ phân”.


Giúp nông dân sản xuất bền vững


Để giúp nông dân tận dụng, xử lý nguồn phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh đã được Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) chuyển giao thực hiện Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông”, với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự án trong 2 năm, từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2014.


Theo ông Trần Huy Vân, Chủ nhiệm dự án thì lâu nay, nông dân chủ yếu sử dụng các loại chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ nấm Trichoderma, do số lượng ít, giá thành cao từ 60.000 -70.000đồng/kg và các loại phân hữu cơ vi sinh chất lượng chưa ổn định, giá cả lại cao. Trong khi đó, nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương thải ra trong quá trình sản xuất và chế biến nông sản lên đến hàng ngàn tấn/năm.


Đây là nguồn nguyên liệu lý tưởng cho sản xuất phân hữu cơ vi sinh vật đa chức năng. Vì vậy, Trung tâm đã triển khai sản xuất thử nghiệm được trên 2000 tấn chế phẩm sinh học để  cung cấp cho các công ty cà phê, hộ nông dân, phục vụ việc làm phân vi sinh. Hiện nay, tiềm năng sử dụng chế phẩm vi sinh và phân bón hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng khoảng 120.000 tấn/năm.


Có thể nói, để tạo thế cân bằng hệ vi sinh vật đất, cải tạo tính chất lý hóa của đất và giữ ổn định năng suất, chất lượng nông sản thông qua sử dụng chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Bởi chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh có tính năng cao trong việc xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp như phân gia súc gia cầm, bã nấm, thân xác thực vật, phế phụ phẩm của quá trình sơ chế nông sản...


Sau khi được xử lý bằng men ủ vi sinh để đạt độ hoai mục thì bổ sung thêm một số loài vi sinh vật có ích như: vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân và vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh thực vật… sẽ là một nguồn nguyên liệu có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản.


Hơn nữa, quy trình công nghệ đơn giản dễ sử dụng, giá thành sản xuất thấp, phù hợp với những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Theo đánh giá, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân giảm được từ 20 – 25% chi phí đầu tư. Vì vậy, đây là xu hướng  mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và đang được người dân đồng tình hưởng ứng.