So sánh sản phẩm
EnglishJapaneseVietnamese
Ngôn Ngữ
  • Vietnamesevi
  • Englishen
  • Japanesejp
  • 0
    • Hiện chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn

Ứng dụng công nghệ sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố về an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong ngành nông nghiệp có nhiều ưu điểm vượt trội, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, vật nuôi, cây trồng cũng như không gây ô nhiễm môi trường đã góp phần đáp ứng tốt yêu cầu này.
 
Sử dụng chế phẩm sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã tìm kiếm các giải pháp mới mang tính đột phá theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái ít cần đến sự can thiệp của các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
 
Chế phẩm sinh học EMIC được một số địa phương trong tỉnh ứng dụng. EMIC (bộ vi sinh vật hữu hiệu) là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu bao gồm: vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật tổng hợp chất dinh dưỡng, vi sinh vật sinh chất kháng sinh... Một gam chế phẩm chứa trên 1 tỷ vi sinh vật.
 
Chế phẩm này có tác dụng phân giải rác thải, phế thải nông nghiệp, mùn hữu cơ và phân chuồng làm phân hữu cơ vi sinh; phân giải nhanh chất thải hữu cơ trong nước thải, thúc đẩy nhanh quá trình làm sạch nước thải; làm giảm tối đa mùi hôi thối của chất thải; hạn chế mầm bệnh trong chất thải. Việc tận dụng rác thải, phế thải nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm ủ với chế phẩm không những rút ngắn thời gian phân hủy thành phần hữu cơ mà còn tiêu diệt một số mầm bệnh do vi khuẩn và nấm gây ra vì trong quá trình ủ, có một lượng nhiệt lớn được sinh ra.
 
Bắt đầu từ tháng 12/2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Nhà máy sắn Văn Yên thực hiện mô hình làm phân hữu cơ từ vỏ sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC. Có 180 hộ dân thuộc địa bàn 4 xã trong vùng nguyên liệu sắn của huyện là Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình đã triển khai ở diện tích 60 ha với hơn 420 tấn phân ủ.
 
Kết quả, sắn của mô hình được bón phân hữu cơ vi sinh so với sắn ở mô hình đối chứng làm theo cách thông thường của các hộ dân có các chỉ số về chiều cao cây, đường kính gốc, độ cao phân cành trung bình đều cao hơn từ 10-20%, mắt dày hơn, số củ trên khóm nhiều hơn, lại giảm được 40% chi phí đầu tư phân bón hóa học. Đặc biệt, đất tại những diện tích sắn được bón phân hữu cơ vi sinh tơi xốp hơn, độ ẩm cao hơn, tỷ lệ mùn cao hơn nên tiềm năng năng suất trong những năm tiếp theo cũng sẽ được giữ vững và nâng cao.
 
Qua thực tế nhiều vụ cho thấy, sử dụng chế phẩm sinh học không những tận dụng được những phế phụ phẩm nông nghiệp, làm giảm mức độ ô nhiễm mà còn đem lại nguồn phân hữu cơ. Kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp do tận dụng được toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt, có thêm nguồn phân bón cho cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường là ưu điểm vượt trội mà người dân nhận thấy khi sử dụng chế phẩm sinh học mang lại.
 
(Ngọc Thanh)